PHÁP, BRAZIL VÀ BÀI HỌC TỪ NHỮNG NHÀ VÔ ĐỊCH WORLD CUP

Để vô địch World Cup, một đội tuyển cần bản lĩnh, sự thực dụng và quan trọng mọi tuyến đều có thể ghi bàn. Bài học từ Pháp, Brazil, Italy, Tây Ban Nha,… là ví dụ.

Tại mỗi kỳ World Cup, người hâm mộ có xu hướng đặt tiêu chuẩn quá cao cho đội vô địch. Không phải mọi nhà vô địch World Cup đều toàn năng như Brazil năm 1970.

Các đội vô địch đều có điểm yếu. Nhiều ĐTQG chỉ chơi ở mức trung bình tại vòng bảng. Một số gặp vấn đề nghiêm trọng với hàng công. Vài đội có hàng thủ chắc chắn, thắng bằng một bàn duy nhất hoặc trên chấm luân lưu 11 m.

Không cần phải gây ấn tượng mạnh ở vòng bảng

Tuyển Pháp năm 1998 và Brazil năm 2002 toàn thắng 3 trận và giành được 9 điểm. Năm 2006, Italy gần như không vượt qua được vòng bảng, và sau đó rất may mắn khi đánh bại Australia ở vòng 1/8. Tây Ban Nha thua Thụy Sĩ với tỷ số 0-1 ở trận mở màn.

Năm 2014, Đức vùi dập Bồ Đào Nha với tỷ số 4-0, một phần nhờ chiếc thẻ đỏ “ngớ ngẩn” trong hiệp một của Pepe. Sau đó, họ phải thực hiện kế hoạch B với tiền đạo dự bị Miroslav Klose trong trận đấu với Ghana và vượt qua Mỹ với tỷ số 1-0.

Pháp thực sự khốn khổ ở vòng bảng 4 năm trước, chỉ ghi được 3 bàn trong 3 trận vòng bảng, trong đó bao gồm một quả phạt đền, bàn phản lưới nhà, và góp phần vào trận đấu tồi tệ nhất của giải, hòa 0-0 với Đan Mạch.

Không đội nào trong số bốn nhà vô địch World Cup gần đây thi đấu ấn tượng nhất trong 3 trận đầu tiên. Nhưng không có danh hiệu nào được trao sau vòng bảng. World Cup 2022 có thể là một giải đấu mà các đội lớn khởi đầu chậm chạp, vì họ không có nhiều thời gian chuẩn bị.

Phong độ là nhất thời, đẳng cấp là mãi mãi

Các CĐV muốn HLV chọn cầu thủ theo phong độ thi đấu của họ. Nhưng HLV có xu hướng gắn bó với những lựa chọn họ thử qua và tin tưởng. Đôi khi, việc chọn người mang ý nghĩa cân bằng các “phe phái”, giữ sự đoàn kết trong đội.

Điển hình như HLV Vicente Del Bosque vào năm 2010, khi dùng Iker Casillas trong khung thành dù Victor Valdes và Pepe Reina đều có phong độ tốt hơn. “Phe Barca” cũng góp nhiều cầu thủ trong đội hình xuất phát hơn, nhưng băng thủ quân đội tuyển lại thuộc về Casillas của Real Madrid.

Andres Iniesta trước giải phải vật lộn để hồi phục chấn thương và thể lực, nhưng Del Bosque kiên trì với anh và được đền đáp khi tiền vệ này ghi bàn duy nhất trong trận chung kết.

Ngôi sao của Đức trong trận chung kết bốn năm sau đó là Bastian Schweinsteiger. Anh dự kỳ World Cup thứ ba với phong độ tồi tệ trong màu áo Bayern Munich.

Nhưng trong một tháng ở Brazil, Schweinsteiger rất nổi bật. Có thể nói điều tương tự về Paul Pogba vào năm 2018. Anh trải qua mùa giải kém cỏi với Manchester United và có nguy cơ mất vị trí trong đội tuyển Pháp. Nhưng Pogba đóng vai trò tiền vệ trung tâm thông minh, góp công lớn suốt chiến dịch thành công của “Les Bleus”.

Cũng như vậy là niềm tin của Marcello Lippi dành cho Francesco Totti vào năm 2006, anh chỉ mới trở lại sau khi gãy chân, nhiều người nghi ngờ cầu thủ này không đủ sức khỏe để tỏa sáng. Và sẽ là một HLV “thiếu sáng suốt” nếu bỏ qua Ronaldo. Bước vào World Cup 2002, “Người ngoài hành tinh” chỉ ghi được 10 bàn trong 3 mùa bóng trước đó cộng lại vì chấn thương và không ghi bàn nào cho Brazil trong gần 3 năm. Nhưng Ronaldo trở thành ngôi sao lớn nhất giải đấu.

Điều chỉnh hệ thống trên đường đi

Nếu một HLV chưa tìm hệ thống tối ưu của mình khi bắt đầu giải đấu, đó không phải là thảm họa. Hệ thống ban đầu của HLV Aime Jacquet vào năm 1998 có Thierry Henry trẻ trung hoạt động rộng biên, nhưng đến trận tứ kết, ông thay đổi ý định và sử dụng Zinedine Zidane và Youri Djorkaeff như hai số 10 phía sau trung phong Stephane Guivarc’h.

Trong bốn trận đấu đầu tiên World Cup 2002, HLV Luiz Felipe Scolari sử dụng Gilberto Silva như một tiền vệ phòng ngự thực thụ duy nhất, bên cạnh là Juninho Paulista được đẩy chơi nhô cao hơn. Từ vòng tứ kết, HLV này đưa Kleberson thay Juninho như một lựa chọn phòng thủ nhiều hơn. Kleberson được xem là cầu thủ xuất sắc của Brazil trong trận chung kết.

Năm 2006, Lippi dùng 4-3-1-2 trong 4 trận đầu của Italy, chuyển sang 4-4-1-1 từ tứ kết, mở ra một vị trí thích hợp cho Mauro Camoranesi tỏa sáng. Màn trình diễn kém thuyết phục của Đức trong 4 trận đầu tiên tại World Cup 2014 dẫn đến hai sự thay đổi lớn. Hệ thống vẫn là 4-3-3, nhưng Philipp Lahm được chuyển từ vị trí tiền vệ cầm trịch sang vị trí hậu vệ phải sở trường của anh. Điều này cho phép Jerome Boateng chuyển vào đá trung vệ, dùng tốc độ của mình để chuyển đổi trạng thái trận đấu nhanh hơn.

Ở tuyến trên, HLV Joachim Loew không dùng bộ ba Mesut Ozil, Thomas Muller, Mario Gotze và đưa Klose vào sân như một số 9. Muller chuyển sang cánh phải và Ozil chuyển từ cánh phải sang trái.

Didier Deschamps tại World Cup 2018 thực hiện sự điều chỉnh sớm hơn nhiều. Ông bắt đầu giải đấu với sơ đồ 4-3-3, với bộ ba Antoine Griezmann, Kylian Mbappe và Ousmane Dembele. Nhưng đến trận thứ hai, Pháp chuyển sang 4-2-3-1, với Olivier Giroud ở phía trước, Mbappe chuyển sang cánh phải và Blaise Matuidi chơi như một cầu thủ chạy cánh trái thiên về phòng ngự để mang lại sự cân bằng.

Giữ sạch lưới ở giai đoạn đá loại trực tiếp

Để không bị loại, điều đầu tiên là phải giữ sạch lưới. Sáu đội vô địch World Cup gần đây nhất, trong tổng cộng 24 trận đấu loại trực tiếp của họ (từ vòng 1/8 đến chung kết là 4 trận đấu loại trực tiếp), họ giữ sạch lưới 17 trận. Tây Ban Nha không để thủng lưới bàn nào trong vòng loại trực tiếp vào năm 2010.

Đức chỉ để thủng lưới hai lần ở vòng loại trực tiếp năm 2014, với những bàn thua đến ở phút cuối cùng của hiệp phụ trước Algeria, khi họ dẫn trước 2-0. Và bàn thua còn lại ở trận bán kết với Brazil, khi họ dẫn trước 7-0, để đối thủ gỡ một bàn danh dự. Italy vào năm 2006 chỉ để thua 1 bàn, từ chấm phạt đền trong trận chung kết gặp Pháp.

Pháp, 4 năm trước, khá bất thường, khi để thủng lưới 5 bàn ở vòng loại trực tiếp. Dù vậy, 2 trong 5 bàn thua của họ là sự an ủi muộn màng cho đối thủ, khi nắm trong tay phần thắng.

Chúng ta có thể phát hiện ra đội nào có khả năng giữ sạch lưới ở vòng loại trực tiếp dựa trên thành tích vòng bảng không? Câu trả là không.

Ví dụ, các đội giữ sạch lưới ở vòng bảng không đi được xa là Argentina năm 1998, Thụy Sĩ năm 2006 và Uruguay năm 2010 và 2018. Trên thực tế, Brazil năm 2002 và Tây Ban Nha năm 2010 đều để thủng lưới nhiều bàn hơn trong 3 trận vòng bảng so với 4 trận đấu loại trực tiếp.

Số 9 sung mãn là không cần thiết

Chỉ có Ronaldo năm 2002 là ngoại lệ. Anh ghi 8 bàn trong 7 trận, là cầu thủ ghi nhiều bàn nhất tại một kỳ World Cup kể từ Gerd Muller vào năm 1970.

Còn lại, người ta thấy cầu thủ ghi bàn nhiều nhất cho các đội vô địch là Henry, với 3 bàn cho Pháp năm 1998, Luca Toni và Marco Materazzi ghi 2 bàn cho Italy năm 2006, David Villa ghi 5 bàn cho Tây Ban Nha năm 2010, Muller ghi 5 bàn cho Đức năm 2014, Griezmann ghi 4 bàn cho Pháp năm 2018. Trong số các cầu thủ trên, chỉ có Toni là mũi nhọn số 9, Materazzi thậm chí là trung vệ. Henry và Muller đá lệch cánh, Griezmann sắm vai hộ công. Villa cũng đá lệch cánh bên cạnh trung phong Fernando Torres.

Những cầu thủ số 9 đôi khi chỉ được sử dụng như “chim mồi” làm nhiệm vụ quấy phá, lôi kéo hàng thủ đối phương. Đôi lúc, họ không ghi được bàn nào, như Guivarc’h hay Giroud của Pháp. Quan trọng là các bàn thắng phải đến từ mọi hướng và tình huống.

Hãy tập đá thêm giờ và sút 11 m cho tốt

Phần lớn các đội vô địch World Cup đều cần hiệp phụ hoặc đá luân lưu 11 m trong giải. Trừ Brazil năm 2002 và Pháp năm 2018 toàn thắng cả 4 trận đấu loại trực tiếp trong 90 phút.

Pháp năm 1998 và Italy năm 2006 đều thắng một trận trong hiệp phụ, sau đó phải đá luân lưu ở trận tiếp theo. Tây Ban Nha và Đức giành chiến thắng ở trận chung kết trong hiệp phụ, trong khi Đức cũng chao đảo nặng nề trước Algeria ở vòng 1/8 và cần đến hiệp phụ.

Nếu quay trở lại xa hơn, Brazil (trong trận chung kết với Italy) năm 1994 và Đức (trong trận bán kết với Anh) năm 1990 cũng cần đến những cú sút 11 m trên đường dẫn đến thành công. Tại Euro 2020, Italy giành chiến thắng trên chấm phạt đền trong trận bán kết và chung kết. Trong 15 trận đấu loại trực tiếp của Euro 2020, 4 trận phải thi sút 11 m, 4 trận khác phải đá thêm hiệp phụ.

 

HỖ TRỢ THÀNH VIÊN

WEBSITE VÀ APP